Kỳ Lân Nhật Bản và tín ngưỡng bản địa
Thần thoại và truyền thuyết Trung Quốc gọi kỳ lân là qilin (麒 麟). Vì là sinh vật kết hợp giữa hai hay nhiều loài trong một cơ thể huyền thoại (chimerical), nên kỳ lân Trung Quốc có hình dáng sư tử lai hổ rất rõ nét. Theo chân Phật giáo truyền vào Nhật Bản qua ngả Bách Tế (Triều Tiên) năm 552, kỳ lân được gọi là kirin (麒 麟,きりん) và trở thành sinh vật linh thiêng bậc nhất với quyền lực xếp hàng đầu.
Từ thời Nara (710-794), tượng kỳ lân mới được truyền vào Nhật Bản với hình thái sư tử vùng Ấn - Hoa. Người Nhật cũng như Việt Nam, chưa bao giờ được thấy sư tử, nhưng theo đà truyền bá mạnh mẽ văn hóa Khổng giáo và giáo lý Đức Phật Thích Ca, họ đã tín nhiệm “uy lực tâm linh vô biên” này khi biết kỳ lân chính là hiện thân Đức Khổng Tử, còn sư tử chính là người bảo hộ, tượng trưng cho Pháp tốt đẹp của Đức Phật. Chính sự tìm kiếm sự tương đồng khi truyền đạo đã tiếp biến kỳ lân thành kirin, có tính chất gần gũi với con vật bản địa.
Theo thời gian và dòng chuyển biến tư tưởng Thần - Phật tập hợp, kirin cũng trở thành linh thú oai nghi bảo vệ cổng cung điện hoàng gia và các đền thờ. Thế kỷ 9, người Nhật thay đổi cặp đôi thành một con sư tử miệng mở (shishi) và một con koma-inu gần gũi, có sừng, trông giống như con chó.
Tượng Kỳ Lân bằng gốm cổ đặc thù
Cụ Vương Hồng Sển, nhà sưu tập và nghiên cứu cổ vật uyên thâm bậc nhất Việt Nam, từng nhận xét trong cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn (HCĐS 1972, trang 258) rằng: Nước Nhật có nhiều môn phái rất trọng nghề chế tạo đồ gốm, họ cho rằng đó là một môn kỳ bí, có thể giúp con người thoát li trần tục bằng tư tưởng, một phương pháp để tìm hiểu bí ẩn của vũ trụ, một nghệ thuật không kém thuật vẽ tranh hay viết đại tự. Người thợ nào đã chế được một món đồ gốm kỳ dị, không giống của một ai, người ấy sẽ tự hào “đã đắc đạo thành công” và trong nghề nghiệp thì “đã đi đến nơi đến chốn”.
Vì người nghệ nhân gốm Nhật luôn muốn làm ra sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất để được lưu truyền nhiều đời, cũng như vượt qua định kiến của người châu Âu khinh thường nghề làm đồ gốm “chỉ là một thứ mỹ thuật ti tiểu, nhỏ mọn, thuộc hạng thứ (art mineur)”.
Kỳ Lân thường được bày theo cặp, trang trí cân đối với tượng thờ, lư trầm tạo thế uy nghi.
Cặp Kỳ Lân đội bình hoa vẽ cảnh sinh hoạt dưới rừng trúc (cao 30cm, ngang 20cm), 4 móng với con kỳ ngậm miệng bên trái và con lân đang nhe nanh bên phải, phủ phục hiền hòa đội bình hoa. Thân bình vẽ tích các nhà quý tộc Nhật ẩn độn tại phủ đệ theo tinh thần 7 ẩn sĩ Trung Hoa thời Nghiêu Thuấn là Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên, mô tả sinh động sinh hoạt gia đình quý tộc Nhật Bản dưới bóng trúc xanh ngầm, thể hiện tính quân tử, sự trung thành và thái độ nhàn hạ trong cảnh xa hoa phú quý.Đỉnh trầm nắp Lân báo điềm lành: Lân chầu (cùng với hai quai Voi) biểu trưng chờ đón thánh nhân xuất hiện, và chính là cậu bé Đông cung Thái tử liên tục được chúc phúc từ các bậc thánh tăng (mặt trước) và các mệnh phụ quý tộc (hime 姫 - mặt sau)
Lân đội bình hoa Bốn mùa (cao 54cm, ngang 33cm), do Tōkōzan (東光山,hoạt động 1880-1920) vẽ tinh tế thân Lân lớn phủ phục, sắc diện vui tươi, lông bờm và đuôi dài hình lửa thánh, thân mình phân bố đều các xoáy lông âm dương hoa cúc. Bình hoa dáng thon vẽ khéo léo, nhũ vàng các loại hoa sơn trà, cúc, mẫu đơn, mộc lan khoe nở bên khóm trúc hay những bó rơm ủ gốc hoa có chú ếch nhảy yên bình như tâm hồn người Nhật bốn mùa yêu hoa. Tuyệt phẩm Gosu Blue độc bản này cực hiếm, vì độc lân thông thường sẽ được làm với chỉ con con đực nên Lân sẽ luôn mở miệng.
Lân đội bình hoa mùa Hạ (cao 30cm, dài 20cm), biểu tượng hoa Diên Vĩ (Iris) hiện thân cho chí khí anh hùng, quý phái và may mắn như tính cách của Kỳ Lân, và hoa khoe nở vào cuối tháng 5 báo hiệu mùa hè Nhật Bản. Màu xanh cobalt bao phủ toàn bộ tác phẩm càng làm nổi bật hoa diên vĩ xanh và vàng tuyệt đẹp, nối hài hòa thân Lân và bình. Các hồi văn hoa cúc dây trang trí phần chân và từ vai đến miệng bình hoàn hảo, hài hòa màu sắc với tổng thể xanh Gosu Blue.
Lân đội bình hoa mùa Thu (cao 30cm, dài 20cm), với men xanh nhũ vàng, Lân đội bình hoa cúc vàng chính là quốc hoa xứ Phù Tang khoe nở uy nghi và rạng ngời. Triết lý ngày trùng cửu 9-9 là ngày chia ly bắt lính hàng năm ở Trung Hoa cổ đại lại được người Nhật dùng để quán chiếu và kỳ vọng hòa bình, thịnh vượng, trường thọ. Biểu tượng Cúc 16 cánh còn trở thành gia huy của Hoàng gia.
Lân phủ phục đội đỉnh trầm vẽ Quán Âm thị giảng và thánh chúng chứng đắc qua hai khuôn tượng lân thanh thản, hiền từ.
Kỳ Lân và các vị Phật (cao 30cm, dài 20cm), báo điềm lành và gắn liền trí huệ Phật giáo. Cặp Kỳ Lân cõng bình kỹ thuật gốm Satsuma tráng men nhũ vàng bóng theo hình thức Kinrande mạ vàng trên sứ, mô tả cảnh La Hán hàng long với khuôn mặt kỳ lân chuyển hóa nội tâm dữ tợn đến an bình.