Sưu tập cổ vật không chỉ là một thú chơi, một đam mê lâu đời của người Việt mà nó còn giúp chúng ta trở thành một người am tường văn hóa, lịch sử, chính trị một quốc gia thông qua các trân ngoạn phẩm thủ công đánh dấu nền văn minh quốc gia ấy và trình độ tay nghề người nghệ nhân của một thời đại hay chỉ trong một cuộc thế dâu bể thay ngôi đổi chủ giữa các triều đại phong kiến tập quyền. Sưu tập từng trân ngoạn phẩm đã khó, hình thành bộ sưu tập có chủ đề càng khó hơn. Bộ sưu tập Satsuma Long Chương đánh dấu 10 năm gian nan ấy!
Thực tế, dòng gốm kim hoàn Satsuma (薩摩焼) tuy có tuổi đời chỉ trong vòng 150 năm kể từ khi Thiên Hoàng Minh Trị (1868-1912) sáp nhập phiên Satsuma (薩摩藩) thuộc tỉnh Kagoshima (鹿児島県) nhằm nhất thống sơn hà hải vũ Nhật Bản. Trước cuộc chuyển giao quyền lực của Mạc Phủ cho Thiên Hoàng, phiên Satsuma do Daimyo - lãnh chúa nhiều đời thuộc gia tộc Shimazu đòi độc lập, ly khai triển lãm thành công với gốm Satsuma tại Hội chợ quốc tế Paris 1867 khiến giá trị kỹ mỹ thuật, nghệ thuật, lịch sử và độ hiếm quý của nó đã trở nên hấp dẫn các nhà sưu tập thế giới từ đó.
Năm 1873, đánh dấu Nhật Bản thống nhất toàn diện và mở cửa hội nhập mạnh mẽ, Nghệ nhân Chin Jukan (沈壽官) giành giải thưởng lớn với cặp lục bình tại triển lãm quốc tế Vienna (Áo) khẳng định kỹ thuật nung thủ công của người Nhật đối với các sản phẩm "siêu to khổng lồ". Việc đáp ứng thị hiếu phương Tây đã giúp gốm Satsuma Nhật Bản trở thành món hàng sưu tập thời trang của quý tộc Âu-Mỹ để trang trí và thể hiện đẳng cấp quý tộc danh giá trong những buổi tiệc trà sang trọng, hào nhoáng và thời thượng vốn rất khác biệt với Trà đạo (Chanoyu 茶の湯, hay Sadō 茶道) đơn sơ, thuần tính cách con người xứ Phù Tang.
Ảnh: Cặp độc bình cao 175cm và Đỉnh trầm cao 87cm
Liên tục, các nghệ nhân từ Chin Jukan (沈壽官) qua Kinkozan (錦光山) đến Yabu Meizan (藪明山) đã góp công lớn đưa gốm Satsuma xứ Phù Tang nổi tiếng ở phương Tây và Mỹ với trường phái Kyo-satsuma. Nghệ thuật Kyo-satsuma trang trí thổ cẩm Nu-ritsubushi (塗りつぶし) dần thịnh hành với các màu đỏ thẫm, xanh dương bóng, xanh lá nhạt, đen tím và vàng - thường thay bằng kỹ thuật mạ vàng Kin-Nishikide (金錦手) khi kết hợp kỹ thuật Moriage (盛り上げ) điểm và trượt sét mềm trên cốt gốm nung vùng Kyushu đã làm nên tên tuổi gốm kim hoàn Kyo-Satsuma đóng triện vàng Shimazu mang xuất xứ cốt gốm Satsuma.
Không những thế, dòng gốm Kyo-Satsuma vẽ thổ cẩm và nhũ vàng độc bản từ đó trở thành bảo vật tại các bảo tàng quốc gia nổi tiếng Victoria & Albert Museum (Anh), Guimet Museum of Asian Art (Pháp), Philadelphia Museum of Art (Mỹ), Saint Petersburg Museum (Nga)… Đặc biệt tư gia là quan chức ngoại giao được Chính phủ Nhật biếu tặng hoặc nhà sưu tập tư nhân nổi tiếng: Robert & Gloria Mascareli, Tom & Lynn Austern, Jean Bernstein & Clifford E. Schaeffer (New York); Tatiana Arapova & Anna Egorova (St. Petersburg), Thomas S. Kiernan (Sydney)…
Gốm Satsuma đã từng là khuôn mặt đại diện cho vinh quang Nhật Bản cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 khi đảm trách nhiệm vụ tiên phong, mở cửa dễ dàng các thị trường thương mại mà ngày nay các ngài Tham tán hay Tổng lãnh sự các nước vẫn phải lao tâm khổ tứ quảng bá quốc gia minh với hiện trạng toàn cầu đã trở thành "thế giới phẳng". Ngài Kawaue Jun-ichi (河上淳一), Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM ngạc nhiên về dòng gốm đã xuất hành ra khỏi Nhật Bản và đi biệt xứ này lại hội tụ rất đông đủ tại nơi ngài đại diện: Tp.HCM - Việt Nam của thế kỷ 21.
Ảnh: Ngài Kawaue Jun-ichi (河上淳一) thưởng lãm gốm Satsuma khi đến thăm Hội quán ngày 06.2.2020
Với một dòng gốm vượt thoát Trung Hoa về mọi mặt và không thể bị làm giả, giá trị sưu tập trân ngoạn phẩm Satsuma qua các sàn đấu quốc tế đã tăng không ngừng! Trong vòng 10 năm trở lại đây, người Việt Nam mới biết đến và bắt đầu sưu tập dòng gốm Satsuma quý phái, sang trọng và đẹp đẽ này của Nhật Bản. Nhà sưu tập, nhà nghiên cứu cổ vật nổi tiếng Trần Đình Sơn đã nói rất thực tế và mang tính dự báo, đại ý rằng: Đồ thủ công mỹ nghệ Nhật Bản vốn luôn đắt đỏ từ xưa đến nay. Người Việt Nam mình bấy lâu chỉ biết loanh quanh chơi đồ gốm sứ Trung Hoa bởi tính phổ biến của nó và thực sự không còn hấp dẫn nhiều do làm giả. Đồ gốm sành thuần Việt cũng vậy! Việc thường xuyên trưng bày, triển lãm đồ gốm sứ cổ Nhật Bản sẽ đánh dấu một bước đi mới, mong sẽ làm chuyển hướng đam mê sưu tập cổ vật của người Việt. Một phần Bộ sưu tập Gốm Satsuma HQLC vinh dự được phối hợp triển lãm chủ đề Phật giáo Nhật - Việt qua chất liệu Đồng và Gốm Satsuma tại Festival 2020 sắp tới do Học giả Trần Đình Sơn chủ trì cùng Long Chương hứa hẹn nhiều hấp dẫn người thưởng lãm và nhà sưu tập.
Ảnh: Học giả Trần Đình Sơn đang trao đổi và chỉ dẫn các nhà sưu tập trẻ của Hội quán Long Chương
Hội quán Long Chương có 10 năm sưu tập và hình thành trang web này để chia sẻ niềm đam mê sưu tập và học hỏi thêm kiến thức như tinh thần hướng dẫn và giúp đỡ của các bậc tiền bối trong giới sưu tập cổ ngoạn xuất xứ Trung - Việt: Trần Đình Sơn, Hoàng Văn Cường, Đinh Công Tường ... Đặc biệt là những kiến thức về cổ vật Nhật Bản học giả Trần Đình Sơn đang sưu tập Netsuke và Sơn mài đã động viên chúng tôi vững tin hơn để dấn thân tới cùng với các cuộc đấu giá quốc tế từ Mỹ, Âu, Úc đến Trung Đông và thậm chí bắt rễ sâu đến các bộ sưu tập tư nhân khắp nơi trên thế giới.
- Bộ sưu tập số 01: KYO-SATSUMA
- Bộ sưu tập số 02: GOSU-BLUE IMPERIAL SATSUMA
- Bộ sưu tập số 03: BỘ TRÀ TÂY & CAFÉ SATSUMA
- Bộ sưu tập số 04: SATSUMA VƯƠNG GIẢ và DÂN DỤNG
Ảnh: Học giả Trần Đình Sơn chỉ giáo hậu bối về kinh nghiệm sưu tập cổ vật. Nst Nguyễn Bá Lân đứng giữa
Nhà báo quốc tế, cựu phóng viên chiến trường hãng thông tấn UPI (Hoa Kỳ) Hoàng Văn Cường, người còn được mệnh danh Ông Vua đồ cổ Sài Gòn, rất vui vẻ chân tình và không ngại bày tỏ sự khen ngợi các nhà sưu tập hậu bối đã định hương suus tập một cách có hệ thống và xác định phân loại, trình bày lộng lẫy một bộ sưu tập 150 năm tuổi phong phú; vận chuyển về đến được Sài Gòn và bảo quản rất tốt các sản phẩm gốm hoa văn phức hợp như thế này là vô cùng công phu và ý nghĩa. Cần được nhân rộng để bạn bè chiêm ngưỡng và chia sẻ kinh nghiệm.
Ảnh: Ông Vua đồ cổ Sài Gòn Hoàng Văn Cường ngưỡng mộ tài hoa họa Phật của nghệ nhân Nhật Bản
Kể từ phong trào tân nghệ thuật Art-Nouveau xuất hiện năm 1911 làm thay đổi quan điểm nghệ thuật hội họa hàn lâm Satsuma đang thủ đắc và khi đế quốc Đại Nhật Bản chuyển sang quân phiệt hóa năm 1921, Satsuma chuyển mô típ trang trí tuy vẫn nhũ vàng viền, nhưng dùng màu socola đậm chủ đạo trên nền men trắng mờ và đóng triện Anh ngữ báo hiệu sự giảm sút chất lượng, lụi tàn theo đà chuyển sang sản xuất hàng loạt - chúng tôi sẽ giới hạn không mang vào bộ sưu tập để nhằm tăng thêm giá trị thưởng lãm gốm Satsuma đỉnh cao vốn ngày càng hiếm chiến tranh hay vận chuyển bị bể vỡ và đặc biệt Satsuma kim hoàn vương giả này đã không còn được sản xuất.
Ảnh: Vua đồ cổ Hoàng Văn Cường và ngài Tổng Lãnh sự Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm (đạo diễn Thiên An đứng ngoài, bên trái)
Hãy xem, đọc và chia sẻ Bộ sưu tập gốm Satsuma cùng chúng tôi qua trang nhà Gomsatsuma.vn này nhé. Mọi sao chép và trích dẫn phổ biến kiến thức xin được tùy nghi nhưng lưu ý bạn hãy trích dẫn nguồn khi đăng tải.
Liên lạc với chúng tôi: