Rồng - Phượng trên bảo vật gốm cổ

07/06/2020

Cụ Vương Hồng Sển viết cuốn “Phong lưu cũ mới”, đã bật mí cho người chơi đồ cổ biết hình tượng Phượng người được Trung - Nhật lấy từ chim Trĩ Việt Faisan Ocellé (Rheinardia Ocellata, theo GS Hachisuka), Phượng vẽ đuôi có 12 lông tượng trưng 12 tháng trong năm, nếu thấy 13 lông thì Phượng được vẽ vào năm nhuận theo âm lịch. Phượng được vẽ cùng hoa mẫu đơn, cả hai đều tượng trưng người đàn bà đẹp.

Trong cuốn L’Art à Hué xuất bản năm 1919, nhà nghiên cứu văn hóa L. Cardière nhận định: “Long là biểu hiệu của đấng thiên tử và Phượng là tượng trưng bậc Mẫu nghi thiên hạ, hoàng hậu”. Long (龍, Rồng) và Phượng hoàng (鳳凰, fènghuáng) là sự kết hợp giữa hai giống khác nhau, bởi chính Phượng Hoàng con đực gọi là phượng 鳳, con cái gọi là hoàng 凰.

 

RỒNG - PHƯỢNG

 

Người đầu tiên vương quyền hóa hình ảnh của rồng phượng, vận dụng lý luận tôn giáo để tô điểm thêm cho hình ảnh đơn sơ của rồng phượng là triết gia Hán Nho Đổng Trọng Thư (179 - 104 TTL). Triết thuyết “Thiên nhân cảm ứng” và “Quân quyền thần thụ” (quyền lực Vua chúa do Thần ban) đã khoác cho Hoàng đế chiếc áo Chân Long Thiên tử (con của Rồng) đại diện trời hạ phàm trị dân; thuyết “Thụy ứng” cũng mượn hình ảnh Rồng để giáo dục đức cho Hoàng đế. Các tôn giáo Lão, Phật tiếp bước thần thánh hóa rồng và phượng trở thành thần bí và linh thiêng phổ cập theo đà truyền giáo. Riêng với dân gian, rồng phượng chỉ còn mang biểu tượng may mắn, giàu sang và hạnh phúc.

 

Từ sau thời Tần-Hán, Rồng là hình tượng cao sang quyền lực của vua và Phượng là hoàng hậu cùng các phi tần. Rồng kết hợp với nhiều Phượng. Đến thời Nguyên, Minh mới chấm dứt, chỉ dành nghi biểu Phượng cho riêng Hoàng hậu. Cụ Vương Hồng Sển viết cuốn “Phong lưu cũ mới” đã bật mí cho người chơi đồ cổ biết hình tượng Phượng người Trung - Nhật lấy từ chim Trĩ Việt Faisan Ocellé (Rheinardia Ocellata, theo GS Hachisuka) và Phượng vẽ đuôi có 12 lông tượng trưng 12 tháng trong năm, nếu thấy 13 lông thì Phượng được vẽ vào năm nhuận theo âm lịch. Phượng được vẽ cùng hoa mẫu đơn, cả hai đều tượng trưng người đàn bà đẹp.

 

Nhật Bản tiếp nhận văn minh Trung Hoa và rồng gắn liền tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa dân gian, ngoại trừ thời kỳ Minh Trị (1868-1912) đưa rồng trở thành biểu tượng Hoàng gia cùng với phượng, sư tử, rùa và hoa cúc. Rồng Nhật 3 móng khác Trung Hoa 5 móng và đa phần thân rắn mang tính chất biển cả. Hō-ō là cách người Nhật gọi Phượng hoàng (鳳凰).

 

RỒNG - PHƯỢNG TRÊN BẢO VẬT GỐM CỔ SATSUMA

 

Đĩa Long chương phượng tư (đk 36cm): Đĩa vẽ Đức Bảo Tạng Như Lai đang giảng pháp và các bậc Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát hình thái phi phàm giữa vườn Diêm Phù nhận huyễn tài của thần dân Chuyển luân Thánh vương, tức vua Vô Tránh Niệm cúng dường cầu phước báu. Ca ngợi Hạnh Bố thí là Hạnh lớn nhất. Đôi Sư tử chính là bảo tọa của Đức Phật và Rồng vàng biểu trưng thần hộ pháp của Đức Phật, Phật pháp và là thần bảo vệ Phật tử. (Hình 1)

Đĩa Đức Phật Mẫu chơi đàn (đk 37cm): vẽ Tây Vương Mẫu (Diêu trì Kim Mẫu) hay Đức Phật mẫu đang ngự chơi đàn Koto bên 7 đứa trẻ Nét vẽ thanh thoát biểu đạt khuôn mặt và vóc dáng nhân hậu nhưng trong trang phục oai. nghi đế vương, là hoàng hậu của Ngọc hoàng có bảy cô con gái là 7 tiên nữ - tại Cung Tạo hóa (Thiên Diêu Trì cung, Tây Hoa cung) ngập tràn mẫu đơn và hoa cúc khoe nở.

Đức Phật mẫu biểu tượng nguồn sống (vườn đào), sức cần lao (giữ vườn ngạn uyển) và nguồn vui (yến tiệc, sum họp gia đình), có hai bửu bối là bàn đào và trường sinh bất tử. Hai con rồng cắn đuôi nhau quấn quít với chim Phượng biểu trưng Nhị nương trông coi vườn đào hóa thân, cũng là biểu tượng chuyển hóa của thời tiết. Chim xòe cánh rộng biểu trưng Kim Phượng thì báo điềm lành; thanh cao và ưa thích âm nhạc; khi là Thanh Loan là linh điểu báo thái bình thịnh trị và cũng là phương tiện để Bà cưỡi thăm con cháu. (Hình 2)

Bình hoa Tứ Long đằng khởi (cao 31cm): vẽ rồng lửa ba móng bay lên biểu tượng sự kinh thiêng động địa như động đất. Bốn con rồng lửa chia ước lệ hai khung cảnh mặt trước và sau bình với những nét vẽ sống động phô diễn sức mạnh vũ lực. Mây lửa trên thân rồng 3 móng biểu trưng máu đổ thời chiến quốc khốc liệt. Nội chiến huyết lệ phủ trùm lên trận chiến cuối với vị Tướng quân oai dũng ghì cương ngựa khải hoàn sau khi ông đánh bại hết các kẻ thù, buông kiếm và thọ thương dưới chân thành trì. Mặt sau vẽ các la hán mi dài trong ba sắc thái tiến triển tu tập áo phước điền, áo hoa văn ốc kỷ hà, chữ Vạn Phật giáo với mây vàng kết nối điềm lành (Hình 3)

Bình uống trà xanh Sencha Phượng Lân quai Rồng (cao 10 cm, 80ml): hai mặt thân ấm vẽ Phương đậu Ngô Đồng đương hoa và Thái tử Kỳ Lân hí cầu bằng kỹ thuật Gosu blue tuyệt đỉnh; thân ấm nắm trọn lòng tay vừa đủ uống Sencha, thiết trí quai ấm đắp rồng và miệng vòi hình mỏ phượng hài hòa. (Hình 4)

Bình uống rượu cúc (cao 30cm): Bình rượu có nắp lớn Gosu Blue, Circa 1872, đặc sắc đắp nổi Rồng 3 móng, 2 sừng, thân rắn, vảy cá biểu trưng Long Vương chủ nguồn nước không bao giờ cạn từ miệng rồng được làm vòi và đuôi rồng làm quai ấm. Mô-típ vẽ dày nổi men suối hoa cúc bất tận mây vờn, vừa biểu tượng quốc hoa vừa hàm ý đặc sản rượu sake thơm hương có thần hoa che chở. (Hình 5)

Bình hoa Chân Long thiên tử (cao 35 cm): Bình hoa vẽ cảnh con trai Tokugawa Hidetada (徳川秀忠)viếng lăng cha mình là Chinh di Đại Tướng quân Tokugawa Ieyasu (徳川家康). Rồng trắng quấn quýt bên vị Shogun đầu tiên tương lai và trong ánh mắt từ ái của thánh tăng giám hộ thể hiện hòa điệu Nho Phật Lão thời “Thần Phật tập hợp”. Bình hoa đắp nổi tinh tế sơn thủy Nhật Bản và đặc tả thiên nhiên trong bố cục mặt cầu chặt chẽ bằng men Gosu Blue; thân liễu mềm mại bên đức tướng ôn hòa nhẫn nhục của Quán Thế Âm Bồ tát kỳ nguyện phước đức cho Thế tử sống động. (Hình 6)

Tượng Long Hổ tranh hùng (cao 25cm): kỹ thuật vẽ nhũ vàng trên gốm satsuma tráng men dày và nung nhiệt độ sứ. Mô tả sống động hình thái đang quần thảo trong rừng trúc “Long tranh Hổ đấu” và đề cao Hổ khi chế ngự Rồng, đăng sơn với đôi mắt hiền từ, thiện lành. (Hình 7)

Lư xồng trầm tứ linh (cao 30cm): Lư trầm nhũ kín vàng sáng rực rỡ cảnh Lãnh chúa và Samurai Nhật Bản thời cuối Edo với tứ linh Thần Phật gồm Voi (đạo pháp, bền vững chân kiềng) và Long (Hoàng đế), Lân (Thái tử), Phượng (Hoàng hậu) giao hòa, che chở cho toàn bộ đời sống quyền lực, vật chất và tâm linh Nhật Bản. (Hình 8)

TS. TRƯƠNG ĐÌNH BẢO LONG
Theo https://saigondautu.com.vn/thu-dam-me/rong-phuong-tren-bao-vat-gom-co-69302.html