Người Nhật tuyệt đối yêu chuộng hoa Anh đào dù mọc tự nhiên trên núi Phú Sĩ hay cất công lai tạo trồng tỉa với tổng cộng gần 50 chủng loại, tất cả đều dành cho toàn quốc dân thưởng ngoạn. Từ giữa cuối tháng 3 trở đi, hoa bắt đầu đồng loạt khoe nở dọc khắp kinh tuyến ấm dần Nam - Bắc.
Lịch hoa nở còn được cập nhật vào bản tin quốc gia với các giai đoạn: hoa khai hàm tiếu (saki-hajime), hoa nở ba phần (san-bunsaki), hoa nở bảy phần (shichi-bunsaki), hoa mãn khai (mankai), hoa bắt đầu rụng (chiri-same). Không chỉ đẹp tinh khiết với ba màu trắng, hồng và đỏ, hoa Anh đào hoàn mỹ hơn nhờ tỏa hương thơm ngát, như trang quốc sắc thiên hương mê hoặc lòng người.
Tuy quốc hoa là Cúc vàng 16 cánh, nhưng hoa Anh đào mới được toàn thế giới biết đến là loài hoa đại diện tính cách cố hữu người Nhật: hoa không mọc đơn lẻ mà kết thành chùm; hoa làm nên vẻ đẹp lộng lẫy nhờ sự đan bện hài hòa và khoe nở vô ưu không gợn một vết nhơ.
Hình 1: Hoa Anh đào đỏ nở rộ như bay lạc vào chén trà.
Cảm giác luyến tiếc hoa đào khi khai nở rất nhanh và lúc rụng rơi lả tả như hoa tuyết bay đầy trời càng đẹp, như vô tình đánh thức ý thức sự sống và cái chết về người võ sĩ Samurai một thời. Từ đó, người Nhật có câu ngạn ngữ đẹp và nổi tiếng gắn tình người với hồn hoa: “Nếu là hoa, xin hãy làm hoa Anh đào. Nếu là người, xin làm một Võ sĩ đạo”.
Triết lý ngắm hoa Anh đào (hana-mi) mùa xuân của người Nhật vốn nổi tiếng từ thời Edo (1600-1867), đặc biệt khi Minh Trị Thiên hoàng (1868-1912) khởi phát phong trào duy tân kiến quốc, phát triển Đại Nhật Bản hội nhập thế giới và ưu tiên giới thiệu văn hóa quốc gia mình ra thế giới tư bản. Sau 150 năm cường thịnh, thế giới càng ngạc nhiên hơn về bản sắc một quốc gia song hành thật kỳ lạ giữa nhịp sống công nghiệp điện tử tất bật và văn minh nhàn tản vui thú ngắm hoa quên cả thời gian.
Bậc thầy về thực dưỡng George Ohsawa từng nhận xét tinh tế về tính cách làm nên người Nhật Bản: “Tinh thần là toàn thể, còn xác thân chỉ là một bộ phận cực nhỏ rung động hòa nhịp với Trời Đất thiên nhiên”. Tinh thần Nhật là Đại Hòa hồn, biểu trưng bằng những cánh hoa Anh đào rung rinh thở hơi sương và đồng loạt lìa đài bay như mưa hoa trong gió, luôn giúp người Nhật sống an nhiên thiền tĩnh và đặc biệt biết “chơi giữa vô thường”. Càng đẹp hơn khi ta bắt gặp cánh hoa đào lạc vào chén trà pha uống trong muôn vàn tịch lặng. (Hình 1)
Giữa cuối thế kỷ 19, Hoàng đế Minh Trị khuếch trương giới thiệu văn hóa Nhật Bản ra thế giới, những chiếc bình hoa cực đại, ấm trà, đĩa cảnh gốm sứ mô tả đời sống tinh thần Nhật Bản du nhập sâu vào đời sống gia đình và xã hội các nước Âu Mỹ, thông qua những cuộc triển lãm quốc tế thời danh. Gốm Satsuma chính là sứ điệp sớm (使蝶) về lễ hội hoa Anh đào đầu tiên của nước Nhật vừa thống nhất.
Hai chiếc đĩa gốm Satsuma tráng men tiêu biểu do Kinkozan vẽ theo phong cách Kyo-Satsuma dưới đây, đều mô tả cảnh thiếu nữ với áo kimono cao quý đang chơi hoa Anh đào trong tiết xuân dưới những cội hoa đào màu trắng pha hồng nhạt, đậm hương thơm. Với đặc trưng khi hoa chớm nở là lúc cây cũng đâm chồi nảy lộc, khoe sự sống tiếp nối vô cùng mãnh liệt sau mùa đông tuyết giá.
Hình 2: Người đẹp với Kimono cao quý dưới cội hoa đào trắng.
Đĩa gốm sứ Satsuma vẽ cực kỳ xinh đẹp mô tả 6 cung nhân hay mệnh phụ phu nhân thuộc giới quý tộc, và nơi ngắm hoa nổi tiếng dưới chân núi Phú Sĩ là một hồ nước trong xanh. Khung cảnh thật cao sang như có người đến trước đóng sàn, che gió, đóng rào giăng dây giữ chỗ sẵn sàng. Các biểu cảm trên từng khuôn mặt thiếu phụ đều rạng ngời, đằm thắm. Tuy có pha chút u hoài nhưng họ đều ung dung nhàn hạ, tận hưởng trọn vẹn cuộc sống qua hành động buông mình vờn nến hay với theo những cánh hoa trôi dưới ánh đèn đêm, và không hề đánh mất vẻ đài các từ mái tóc hay thân áo đoan nghi. (Hình 2)
Hình 3: Thiếu nữ Nhật vui đùa dưới rừng hoa Anh đào hồng.
Một sắc thái đĩa khác mô tả khung cảnh rộng rãi trên núi cao ngập tràn sương lạnh gió lộng, muôn cánh hoa đào đều nở rộ dưới ánh nắng ngày xuân. Nổi bật là 9 thiếu nữ khỏe mạnh choàng khăn kín gió, mang dép mỏng tiện nghi, vừa buộc những lời cầu nguyện lên cành hoa, vừa bẻ những nhành trĩu hoa để vác mang về.
Nét tự nhiên, căng mọng xuân thì, nhưng thanh thản của người thiếu nữ qua những bộ kimono vẽ hoa đa sắc màu, tươi nguyên nụ cười mãn nguyện là minh chứng kỳ tích nước Nhật luôn tái sinh sau những khủng hoảng không tưởng về chiến tranh hay kinh tế. (Hình 3)