Phật giáo (Butsudo) du nhập vào thời kỳ Asuka (538-710), khi Oa Quốc (倭) đổi tên thành Nhật Bản (日本)và ảnh hưởng lên toàn bộ nghệ thuật thờ tự, điêu khắc, hội họa với sự trang nghiêm, cao nhã, kiều diễm và thuần túy Nhật. Từ đó, Phật giáo phát triển thịnh vượng và trở thành tôn giáo chính thức trong khi Thần Đạo chỉ đại diện cho phần hình thái tâm hồn, đường lối xử thế của người dân xứ Phù Tang. Đức Thế Tôn đản sanh và chứng thành đạo quả ở miền Nam Á nhưng chính Đông Á đã sớm thọ ơn giáo pháp giác ngộ - giải thoát của Ngài và liên tục lan tỏa thắng đức ấy ra khắp nhân loại trong hòa bình sau hơn 1.000 năm kể từ Ngài nhập diệt.
Nét đặc trưng Phật giáo Nhật Bản
Nhật Bản chứ không phải Trung Hoa mới là nước có công truyền bá giáo pháp Đức Phật mạnh mẽ đến phương Tây từ thế kỷ 19 thông qua hai hệ tiếp cận là thiền Zen và Tịnh độ.
Nếu thiền Zen được thiền sư Hồng Nhạc Tông Diễn (洪嶽宗演,1859-1919) truyền lần đầu vào Mỹ năm 1893 bằng các công án trí huệ, thì bộ "Thiền luận" (Essay in Zen Buddhism) đồ sộ của đệ tử Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) đầu thập niên 1950 đã chinh phục tất cả những bậc thức giả nào vốn thích tìm vào cửa thiền để hiểu một triết lý hơn để tôn sùng một tôn giáo của Đức Phật Thích Ca.
Ngược lại, tịnh độ với đời sống tu sĩ thế tục, không có tăng đoàn xuất gia, bén rễ rất sâu từ thời Thánh Đức Thái tử (Shotoku, 574-622) khi ban bố hiến pháp 17 điều, đã dành điều 2 ghi rõ: “Dốc lòng tín ngưỡng nơi Tam bảo, quy y theo Phật, Pháp, Tăng. Dứt bỏ tà tâm, tuyệt đối tuân theo giáo lý nhà Phật”. Ngài Thân Loan (親鸞,Shinran, 1173-1262) sáng lập Tịnh độ chân tông chỉ phổ truyền đại chúng đại nguyện thứ 18/48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà ,là phép tu “mười niệm vãng sanh” đơn giản và vắn tắt nhất lại góp phần khiến Phật giáo phát triển mạnh mẽ thành quốc đạo.
Phật giáo Nhật Bản cho rằng thời mạt pháp bắt đầu từ năm 1052, đưa đến niềm tin tâm linh chọn tu tịnh độ và tinh tấn xưng niệm hồng danh Phật để tạo thắng nhân vãng sanh lạc quốc. Giai cấp quý tộc đa phần muốn vãng sanh vào cõi trời Đâu Suất của Phật Di Lặc tương lai, còn hạng thứ dân chuyên trì tụng Cứu Thế Quan Âm cứu độ chúng sinh trong lục đạo, gắn với thỉnh nguyện đức bổn sư của ngài bằng niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà.
Theo kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật Thích Ca đã ca ngợi pháp môn Đức Phật A Di Đà là con đường có thể thành đạo ngắn nhất trong một kiếp sống và cũng là con đường duy nhất còn tồn tại sau mọi con đường thành đạo khác bị quên lãng thời mạt pháp nên từ đó thứ dân, quý tộc và hoàng gia Nhật Bản đều nhất tâm chọn tu tịnh độ với phép niệm Phật cầu vãng sanh, xưng tán danh hiệu Đức Phật A Đi Đà, nhiệt thành tạo tượng tiếp dẫn và xây chùa cho mỗi dòng họ. Tôn tượng Đức Phật A Di Đà hầu như trở thành biểu tượng Phật giáo Nhật Bản.
Chiêm bái Ánh đạo vàng trên dòng gốm cổ Satsuma
Thiên Hoàng Minh Trị (1868-1912) khi nỗ lực khôi phục vương quyền, xiển dương Thần Đạo đã vô tình gây pháp nạn “phế Phật hủy Thích” triệt phá chùa chiền và chia rẽ dân tộc chưa từng có trong lịch sử, khiến ông phải khắc phục hậu quả đến năm 1872 mới yên. Tuy nhiên, ông cũng là người chủ trương cho truyền bá “Ánh đạo vàng đậm đà bản sắc dân tộc” ra thế giới thông qua các cuộc bảo trợ triển lãm mỹ thuật quốc tế đầu tiên của Đại Nhật Bản thống nhất tại Vienna (1873) và các triển lãm “Tokyo Biennale” hiện vẫn còn danh giá và nổi tiếng. Theo Ánh đạo vàng của Đức Từ Bi, xin mời quan chiêm hình ảnh phổ độ của Đức Phật A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Di Lặc trên một phần nhỏ bộ sưu tập gốm cổ Satsuma nhân mùa Phật Đản.
Thị hiện hình ảnh trên bình hoa và đĩa gốm phong cách Kyo-Satsuma:
- Bình hoa lục giác “Phổ độ” (cao 40cm): vẽ Đức Phật đang thuyết giảng với Phật Di Lặc, Bồ tát Quan Âm và các La Hán chung quanh. Râu chữ bát tượng trưng 80 vẻ đẹp (bát thập chủng hảo), hợp thêm chòm râu dưới cằm thành ba cộng lại là 32 tướng tốt (tam thập nhị tướng) thể hiện đức tướng quang minh và trượng phu của Đức Phật. (Hình 1a và 1b)
- Đĩa “Phật tổ với 13 tông phái” (Đk-30cm): Phật giáo Nhật Bản tôn thờ Thánh Đức Thái Tử làm Phật tổ hóa thân, cùng 13 tông phái quây quần, đánh dấu mốc pháp nạn thời “Thần Phật phân li - 神佛分離” đau đớn cuối thế kỷ 19. (Hình 2)
- Đĩa “Du hí Quán Âm” (Đk-30cm): vẽ Quan Âm Bồ tát mặc thiên y, đeo dây bảo anh, viên mãn trang nghiêm, đầu đội bảo quan có hóa thân Vô Lượng Thọ Phật, đang đứng giáo hóa chúng sanh thật viên thông vô ngại, không câu nệ thời gian, nơi chốn; biểu hiện tướng du hí tự tại. (Hình 3)
- Bình hoa “Long đầu Quán Âm và La Hán” (cao 50cm): vẽ Ngài hiện thân ngồi kiết già trên mình rồng, thuyết pháp cho chúng sanh dưới các hình thái La Hán (Hình 4)
- Bình hoa “Thí dược Quán Âm” (cao 40cm): hiện tướng ngài từ bi nhu hòa, đầu đội mũ hoa, tay ban lương dược, nhìn hoa sen cảm thương chúng sanh bệnh khổ. (Hình 5)
Tất cả đều dung lối họa màu sắc chói chang tinh luyện vàng để làm các bình phong thời giao thời Azuchi-Momoyama (1573-1603) kết hợp phong cách vẽ nổi Ukiyo-e (浮世絵 phù thể) cuối thời Mạc phủ Tokugawa (1603-1867) cộng với ảnh hưởng nghệ thuật tả chân Châu Âu để mô tả, người nghệ sĩ kết hợp giữa phương pháp Nishiki-de nhũ vàng siêu hạng y phục, kỹ thuật điểm nổi Moriage hào quang với nét vẽ bút lông những khuôn mặt thần thái lên thân bình hoa bằng gốm men rạn mịn, màu trắng ngà độc bản không thể bắt chước, giả mạo.
Các bảo tượng gốm Gosu Blue, phong cách Imperial Satsuma:
- Bộ ngũ tượng tín ngưỡng Phật với các tự khí: trong không gian tâm linh ấm áp bay tỏa hương trầm, bảo tượng Di Lặc ngồi tư thế thoải mái, tay phải trì kinh, nở nụ cười viên mãn trước tượng Phật bao dung và các ứng hóa thân Quan Âm - đặc biệt nổi bật là tượng Chúng bảo Quán Âm (cao 25 cm) với hiện tướng ngài từ bi nhu hòa, đội bảo quan, áo hoa mẫu đơn đỏ, tay cầm châu báu nhân gian tìm an ổn chúng sanh. (Hình 6)
- Tượng “Phật A Di Đà” (cao 15cm): Giáo chủ thế giới cực lạc phương Tây ngồi kiết già nhập thiền, tay bắt định ấn, áo rộng thêu hoa cúc quốc hoa - là hình tượng thờ phổ biến ở Nhật. (Hình 7)
- Tượng “Tống tử Quán Âm” (cao 30cm): Ngài mặc thiên y họa tiết chim phụng hoàng, đội mão hoa, đeo anh lạc, bế đồng tử, khuôn mặt đoan nghiêm của người Mẹ. (Hình 8)
- Tượng “Đa la Quán Âm” (cao 30 cm): Ngài hiện thân người con gái, tướng mạo từ bi, hai tay hiệp chưởng cầm hoa sen xanh, dùng vật báu vô giá trang nghiêm để trừ phiền não cho chúng sanh. (Hình 9)
Hình tượng tín ngưỡng Phật A Di Đà, Quan Âm hay Di Lặc tuy phổ biến ở Nhật nhưng rất khó tìm thấy tượng thờ cá nhân dùng khi tiếp dẫn, nhiếp tâm quán tưởng đức tướng bổn sư. Các bảo tượng gốm vẽ sơn các hồi văn, vẽ nhũ vàng trên kỹ thuật men Gosu Blue hay còn gọi Imperial Satsuma triện chữ thập xanh đã ngừng sản xuất trước 1872 vì thế thật càng thật lung linh, quý hiếm và không dễ tìm thấy qua bao dâu bể thời gian và chiến tranh tàn phá vô tình.
Bài đã được đăng trên: https://saigondautu.com.vn/thu-dam-me/anh-dao-vang-tren-gom-co-nhat-ban-68413.html
Trích đăng lại:
http://kyluc.vn/tin-tuc/thong-tin/anh-dao-vang-tren-gom-co-nhat-ban
http://www.phattuvietnam.net/anh-dao-vang-tren-gom-co-nhat-ban/