Mùa xuân, thư thả ngồi bên hiên nhà uống trà và chiêm ngắm những hoài niệm tiền nhân gửi gắm trên gốm cổ, chúng ta sẽ thấy yêu hơn thú đam mê của mình biết mấy. Như hòa quyện với đất trời qua một gam màu lam xanh cổ điển Classic Blue - gam màu vừa được Viện màu sắc Pantone chọn là tông màu của năm - “Color of the Year 2020”. Mời bạn trải nghiệm thiên nhiên tuyệt tác qua sắc xanh chủ đạo Gosu-blue trên gốm Satsuma thế kỷ 19.
Đặc trưng kỹ thuật nung thủ công trước năm 1872
Trong khoảng 1860 – 1872, gốm men sắc xanh gosu-blue vươn lên ảnh hưởng đậm nét khi lấn lướt sắc đỏ rực gosu-akae, vốn ảnh hưởng đậm nét văn hóa gốm Đại Minh - Trung Hoa thế kỷ 17 truyền qua ngả phương Nam, trong đó có đảo Kyushu. Nghệ nhân vùng Satsuma và một vài nghệ nhân giới hạn vùng Kyoto thường dùng chổi sơn lớn đặc thù (dami) nhúng đẫm “men Gosu” để sơn tinh xảo lên thân gốm và cho vào lò nung thủ công, canh lửa gắt gao để cho ra một tuyệt phẩm; đôi khi không hoàn mỹ do bị méo vênh, nhưng biến thể của men vào hoa vô cùng đẹp đẽ - thể hiện sống động thiên nhiên bốn mùa chuyển hóa - khiến ta như thấy cả hình bóng nữ chủ nhân đang chải tóc, soi gương làm đẹp bên cạnh.
Hình 1.
Sinh hoạt đời thường qua chậu nước rửa mặt của một nghệ nhân tạo tác, hình ảnh thiếu phụ bé nhỏ khi cúi vốc nước rửa mặt một sớm chuyển mùa trong chiếc chậu hoa, chợt bàng bạc nhớ “hoa đào năm ngoái”.
Nàng ngắm nhành hoa dại nương tựa thân cỏ Lô mỏng manh; dây Triêu nhan mộc mạc tự quấn nhau để vươn nở lại khơi gợi cảm giác mạnh mẽ khôn cùng về sự độc lập hay chịu đựng; hương sắc mẫu đơn mùa hạ mãn khai trên cội thân thảo cổ thụ tự ví mình quốc mẫu kiêu sa, thiện lương; tử đằng bồng bềnh tím tình yêu chung thủy; nhành cúc đại đóa mùa thu nương hờ thanh giậu tre khoe hết chiều kích hoa; ba sắc hoa phù dung cánh đơn khoe nở và chuyển màu ngoài thành chậu như bao trọn kiếp con người phù phiếm vẫn vươn lên không ngừng.
Đặc biệt, biểu tượng cúc Ngự văn 16 cánh bồng bềnh sóng chao giữa trung tâm chiếc chậu khẳng định hoàng phái; khéo tôn “12 tháng 24 mùa” dù “biến dịch” nhưng lòng người “nhàn tịch” (Kanjaku), tự tại như hoa không chờ nở. (Hình 1, đường kính 50cm).
Ở tác phẩm bình hoa kết hợp kỹ thuật vẽ thổ cẩm hồi văn toàn thân làm viền cho hai bức tranh phong cảnh thiên nhiên đối ứng bốn mùa: không chỉ hoa diên vĩ chen một bờ thẳng tắp với những chú chim diệc co ro rình mồi trong dòng nước lạnh khi tuyết tan, cỏ Lô và đám hoa dại quấn đan xen phía bờ kia hoàn toàn tương phản khi vươn phủ khắp bờ bãi, mặt nước để khoe nở hết những bông hoa thức giấc đón trời nắng ấm. Xuân Hạ đẹp kết nơi tiết hàn lộ, Thu Đông càng tuyệt diệu hơn với tổng thể 24 mùa hoa trong năm không bao giờ thiếu sức quyến rũ của những bông hoa nhỏ bé và hoang dại nhất.
Hình 2.
Các hồi văn cổ và thân bình là những tuyệt tác cân bút và vắt nhỏ giọt men cô đọng như những ô cửa nhỏ tôn thật nổi bật tiết xử thử mùa nóng khắc nghiệt như vừa qua đi, hóa xanh lam một màu hoa cát cánh; chuyển tiết sương giáng cúc hoa nở dày dặn như chuẩn bị sẵn sàng ứng phó cái thời tiết khắc nghiệt vào Đông. (Hình 2, cao 56cm).
Tài hoa nghệ nhân sau năm 1890
Từ năm 1890, những tác phẩm vẽ gosu-blue tại Kyoto đã không còn dấu hiệu Mon (crest) Shimazu vẽ tay, nhưng ghi dấu rõ ràng xuất xứ cùng danh vị người tạo tác. Vẽ trên đĩa cảnh hình ảnh Mai Lan Cúc Trúc, rõ ràng nghệ nhân Hododa (保土田) đã ảnh hưởng cấu trúc tứ quý Trung Hoa, nhưng hóa thành tứ bình khi lồng ghép 4 sắc hoa lá vào nhau để biểu thị mùa nhưng rộng ý “bình dân” hơn là “quý tộc”. Hoa Mơ đỏ (Ume) thay hoa Mai, mọc bên rào giậu tượng trưng mùa Xuân, cùng với Thanh Trúc vươn thẳng tắp tượng Đông làm thân chính cho Mặc Lan thanh cao mùa Hạ và Hoàng Cúc thu liễm uyển chuyển khéo khoe hoa, tỏa hương.
Hình 3.
Tuy nhiên, với tính cách không sao chép trùng lắp, đôi đĩa song đối của cùng một nghệ nhân vẫn cho hai tuyệt phẩm riêng biệt và đối xứng để chúng thành hai bức tranh độc bản, không gây nhàm chán cho người thưởng ngoạn khi sở hữu cùng chữ ký của một họa sĩ. (Hình 3, đường kính 30cm).