Đặc trưng rồng và rượu Sake Nhật Bản
Bên cạnh rồng Ryūjin chính là sứ giả bảo vệ đức tin đạo Shinto, người Nhật Bản còn tôn thờ các “vua rồng”, gồm: rồng Sui-Riu tạo mưa huyết, rồng cửu sắc Han-Riu 12m, rồng đỏ lửa nhỏ Ka-Riu 2m, rồng Ri-Riu tầm nhìn xa 100 dặm, rồng Fuku-Riu phước báu, rồng vàng Kin-Ryu may mắn, rồng trắng O-Goncho mang lại đói kém, rồng Yamata-no-Orochi (八岐大蛇, 8 đầu 8 đuôi) chuyên gây hại cho dân lành… Rồng Nhật Bản từ thời Edo trở về trước luôn gắn liền tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa dân gian. Kể từ thời Minh Trị (明治,1868-1912), rồng 3 móng mới chính thức sử dụng cho nghi biểu Hoàng gia, biểu trưng Thiên hoàng.
Nhật Bản nổi tiếng là đất nước của lễ hội, phẩm vật quan trọng dâng cúng lễ hội thường có nguồn gốc từ biển và núi. Thực phẩm quan trọng nhất trong các lễ hội này là rượu Sake, được làm từ gạo Saka-mai (酒米), hay gọi là “trân châu mễ” (珍珠米) du nhập vào Nhật Bản từ 300 năm trước Tây lịch. Ngoài dùng làm thức uống của các vị thần, dùng để tẩy trần trong các đền thờ, Sake còn chủ yếu để phục vụ Hoàng gia hoặc các chùa lớn. Việc uống rượu ngày xưa không thật sự mô tả sự trụy lạc, mà còn là điều tăng sĩ và cư sĩ ưa thích. Từ thời Lương Vũ Đế (梁武帝; 464-549) Trung Hoa, tăng nhân và văn sĩ dùng rượu khá phổ biến, qua đến thời nhà Đường (唐朝,618-907), trà trở nên thay thế thú vị, gần gũi và đồng nhất với Phật giáo hơn.
Rượu cúng tế thường đựng trong các bộ rượu Shuki (酒器), gồm bình gốm Tokkuri (徳利) và chén nhỏ Choko (猪口). Rượu Sake thường được làm nóng Atsukan (熱燗), bằng cách đặt tokkuri vào chảo nước nóng, do đó cổ tokkuri thường luôn làm hẹp để ngăn không cho hơi nóng thoát nhanh. Đặc biệt khi uống, người Nhật dùng phổ biến chén Sakazuki (サカズキ) nhỏ và nông hay chén Masu (枡 hay 升) hình vuông trang trọng.
Việc tạo tác hình tượng rồng Ryōjin (龍神) trong các phẩm vật tế Nhật Bản quy ước chuẩn với các mô-típ vẽ trên thân và đắp nổi rồng bao quanh cổ bình tạo thành quai và vòi bình rượu sake vốn có dáng từ thời cổ đại rất khác nhau (gọi là Ewer). Những bình rượu tạo tác sau pháp nạn Thần Phật phân-ly, lấy rồng làm linh vật tinh thần, gắn kết Vương quyền với Phật giáo, từ đó đi sâu vào nghệ thuật xếp giấy Origami (折り紙) và trở thành hình xăm trên cơ thể người Nhật như một đặc trưng Nhật.
Những bình rượu Sake gốm Satsuma với mô-típ rồng
Hai bình rượu rồng - Hoa Sóng với Long thần (circa 1872): Hình thái con rồng cuối thời Edo với chân buông duỗi, quy thuận. Rồng chuyển sang ba móng tượng trưng cho thời kỳ Hoàng gia thống nhất. Rồng vảy cá Long thần giai đoạn này minh chứng sự tàn lụi và chuyển tiếp quyền lực từ Mạc chúa sang Thiên hoàng nhờ những phiên biên trấn như Satsuma ủng hộ. Bình mất nắp với rồng xanh không quắp bảo ngọc thời Edo, biểu thị quốc đảo Nhật bốn mùa hoa trên biển sóng. Bình rồng trắng chân quắp bảo ngọc có nắp vẽ hồi văn cúc, thân bình đắp dày men xanh Gosu-blue hoa cúc duềnh sóng và khoe nở dưới mây trời biểu thị hoàng gia hồi sinh, bước vào thời đế vương thịnh trị.
Hai bình rượu rồng - Hoa Sóng với Long thần (circa 1872)
Hai bình rượu rồng gắn kết Lương duyên Vương gia - Phật giáo (cao 30cm): Hình tượng rồng trong sản phẩm thời Minh Trị mạnh mẽ, tràn đầy sức sống hơn, con rồng chuyển mình dữ đội trên thân bình với chân khuỳnh và các móng cắm chặt vào thành bình, chân trái trước luôn quắp bảo ngọc, biểu trưng cho sức mạnh, uy quyền và sự giàu sang. Lối vẽ thổ cẩm toàn thân bình và nhũ vàng dày cho toàn bộ con rồng; hình ảnh trên các bình mô-típ này thường là La-Hán với các chuyển biến nội tâm dữ dội, hàng long, từ bi - trí huệ giải thoát…
Hai bình rượu rồng gắn kết Lương duyên Vương gia - Phật giáo (cao 30cm)
Hai bình rượu rồng đắp nổi Long - Lân (cao 30cm): Trước rồng, Trung Hoa mượn Phượng hoàng (Phụng) tượng trưng cho cho quyền lực Hoàng đế và Kỳ lân tượng trưng cho người hữu tài, Đông cung Thái tử nối ngôi rồng. Người Nhật ít kết hợp mô-típ Long - Phụng mà thường dùng Long - Lân trang trí trên tác phẩm. Bình vẽ thổ cẩm nhũ vàng nổi bật rồng cá thời Edo là cầu nối hòa ái cảnh Thần-Phật kết hợp tiếp tục phát triển trong thời duy tân sau những hiểu nhầm. Bình rượu xuân hoa điểu vẽ rợp trời chim sẻ liệng quanh hoa mai mơ cổ thụ và cúc hoàng gia mềm mại nở thắm. (Hình 4 và 5)
Hai bình rượu rồng đắp nổi Long - Lân (cao 30cm)
Bát vẽ hoa gạo Saka-mai (đường kính 16cm, cao 11cm): Bát hoa để ăn và uống trà vẽ hoa lúa trĩu cành được người Nhật xem trọng bậc nhất. Cùng với sen, tre là loài thân thảo gần gũi người nông dân và tượng trưng thanh tịnh, quân tử, no ấm và gắn kết bền chặt với cội nguồn đất dưỡng.
Bát vẽ hoa gạo Saka-mai (đường kính 16cm, cao 11cm)
Nậm rượu Gosu-blue tam long đa sắc (cao 22cm): Satsuma trắng ngà siêu rạn mịn, vẽ Gosu-blue trong ba sắc màu chủ đạo xanh, vàng và lục với hai con rồng đang vờn đuổi quanh bầu và một con trên miệng vượt thắng. Rồng xanh tượng trưng cái đẹp, quý phái và rồng vàng tượng trưng may mắn chế thắng rồng trắng.
Nậm rượu Gosu-blue tam long đa sắc (cao 22cm)
Cặp nai rượu rồng vẽ dũng sĩ và các thánh tăng: đắp nổi rồng trắng bằng kỹ thuật dragon-ware vừa trượt moriage rồng trắng tạo âm dương đối vờn uyển chuyển. Rồng trắng quấn quít bên người dũng sĩ thể hiện hòa điệu Nho giáo, Đạo giáo và Thần đạo. Đạt Ma tổ sư, hay thần may mắn Daruma tại Nhật Bản, trong hình ảnh dũng sĩ chinh phục rồng biểu thị tinh thần mâu thuẫn của người Nhật với rồng, vừa muốn làm chủ rồng vừa muốn chối bỏ rồng.
Cặp nai rượu rồng vẽ dũng sĩ và các thánh tăng