Anh em nhóm sưu tập đồ cổ Nhật và gia đình.
TS. Long ôm bình Phật râu chữ bát tại Hội quán Long Chương.
Bộ trà.
Cặp lộc bình và đỉnh trầm.
Độc bình Quốc sản.
PHÓNG VIÊN: - Anh có thể giới thiệu các thành viên trong nhóm và vì sao các anh lại gắn kết với nhau trong việc sưu tầm cổ vật vốn rất đắt đỏ?
TS. TRƯƠNG ĐÌNH BẢO LONG: - Tôi công tác trong ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng được 25 năm, anh Chương làm đá quý, kinh doanh bất động sản, còn anh Thọ tham gia sau cũng làm về xây dựng. Tôi và Chương sưu tập đã trên 10 năm do cùng chung đam mê sưu tập đá quý siêu nhỏ của điêu khắc gia Minh Pasteur với nghệ thuật micro-art.
Đối với cổ vật, ngoài việc bạn có nguồn tiền nhàn rỗi dành cho nó thật nhiều thôi chưa đủ, mà còn phải dành tất cả thời gian sức lực và sự hiểu biết cộng với cơ duyên sở hữu, tôi gọi đó là thú đam mê. Mà khi đã đam mê rồi thì khó dứt bỏ, tiền bạc lúc ấy thành thứ yếu. Cũng giống như bạn theo đuổi một cô gái đẹp duy nhất, khi muốn được về chung nhà bạn phải thắng đối thủ bằng mọi giá. Tuy nhiên, sự đồng ý của cô gái và cha mẹ mà ta gọi là nhân duyên.
- Những món đồ cổ thường tàn phai ghi dấu thời gian, vậy sao những món cổ vật tại Hội quán Long Chương lộng lẫy và tươi sáng?
Anh ĐÀO TRẦN QUỐC CHƯƠNG: - Đây là dòng gốm Satsuma, tuổi đời nó chỉ trong vòng 115-150 năm thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912) - khi người Nhật hưởng ứng việc phục vụ triển lãm đấu xảo tại các hội chợ quốc tế danh giá Paris, Vienna, London, New York, Saint Peterburg, hoặc đặt hàng từ các bảo tàng Trung Đông và Âu Mỹ. Nó sáng và nhìn như mới vì kỹ thuật gốm Satsuma được vẽ phủ kín và nhũ vàng thật trên thai gốm đất sét trắng núi lửa phong hóa vùng Kagoshima. Sau khi nung thai gốm thường có màu vàng ngà voi và rạn nhuyễn, họ chuyển đến Kyoto để nghệ nhân vẽ tay và nung hoàn thiện, nên gọi là phong cách Kyo-Satsuma. Nó là sản phẩm hội họa xem được 4 chiều.
Anh ĐOÀN HỮU THỌ: - Cao cấp hơn dòng Satsuma là dòng Gosu-blue vẽ men xanh tinh tế, nhưng bị giới hạn sản xuất từ 1872 do Nhật Bản muốn có dòng sản phẩm thuần Nhật, không chịu bất cứ ảnh hưởng nào từ Trung Hoa, và đặc biệt đề cao trường phái hội họa Kano vẽ tả chân truyền bá văn hóa Nhật Bản, bởi khi đó Nhật Hoàng quyết thay đổi hình thái phong kiến và áp dụng có chọn lọc hình mẫu phương Tây. Yêu cầu đề cao quốc hiệu Đại Nhật Bản, cho phép ký tên nghệ nhân trên gốm. Đây là bước tiến vượt trội Nhật Bản hội nhập.
- Được biết, người Nhật thích thu nhỏ thế giới và sản phẩm ví dụ như hoa đạo Ikebana, đĩa hát CD. Tại sao những sản phẩm lộc bình và đỉnh xông trầm lại to đến như vậy? Và anh vận chuyển nó về Việt Nam như thế nào?
TS. TRƯƠNG ĐÌNH BẢO LONG: - Nhật Bản là dân tộc vùng Viễn Đông luôn đi tiên phong cải cách và sáng tạo. Thế kỷ 19, họ cải tiến kỹ thuật nung thủ công đã đạt được những thành quả to lớn mà chưa có tiền lệ quá khứ.
Năm 1873, cặp lộc bình cao 170cm của nghệ nhân Chin Jukan đạt giải quốc tế tại Vienna (Áo), đã vinh danh ngành gốm Nhật Bản và tạo đà cho người Nhật tăng cường xuất khẩu các trân ngoạn phẩm siêu khổng lồ sang phương Tây và Trung Đông.
Cặp lộc bình ở hội quán mà bạn đang nhìn tận mắt (ảnh: cặp lộc bình và đỉnh trầm) cao 175cm, đỉnh trầm 91cm, được vẽ tôn vinh Thiên hoàng, Tướng quân trong lịch sử Nhật Bản, con cháu Thái dương thần nữ, được mua về từ Bảo tàng tư nhân ở Ailen và Anh sau nhiều lần đàm phán giá và phương thức mua bảo hiểm, vận chuyển. Nó quá đắt đỏ và duy nhất độc bản, nên người sưu tập càng khao khát sở hữu.
Hay như độc bình được đóng dấu Quốc sản Nhật Bản, cao 87cm (ảnh: độc bình quốc sản), với kỹ thuật thân bình hình trụ cầu nhưng miệng vuông, vẽ Hoàng đế Minh Trị bên Long Mã mở ra thời thịnh trị. Món đồ cổ này như là một báu vật của Hội quán đã mua thành công từ Trung Đông vốn đầy rủi ro.
Anh ĐÀO TRẦN QUỐC CHƯƠNG: - Việc sưu tập là vô cùng tốn kém. Học phí tuy trả không nhiều như chơi đồ cổ Trung Hoa, nhưng vận chuyển nếu vỡ sẽ làm sản phẩm mất giá trị và kéo theo mất mát thiệt hại vô cùng lớn. Thí dụ bình Phật râu chữ Bát (ảnh: bình Phật râu chữ Bát) kết hợp đỉnh cao kỹ thuật Kyo-Satsuma với Gosu-blue.
Hay như những bộ trà (ảnh: bộ trà) người Nhật làm cho Tây phương uống trà chiều (hay cà phê) gồm chuẩn bình, tống rót, hũ đường và 6-12 tách quai, 6-24 đĩa bánh rất dễ sứt mẻ, vỡ sẽ thiếu hụt đi vẻ đẹp đồng bộ và triết lý Hoa Điểu Phong Nguyệt hay tích sử, huyền thoại, tâm linh, tôn giáo… Anh em khi mở thùng hàng như thể tín đồ cầu nguyện một phép nhiệm màu, xin được giữ tất cả bản thể nguyên sơ.
- Vì sao các anh lại có thú đam mê cổ vật Nhật? Anh nghĩ gì về thú sưu tập gốm Nhật hiện nay ở Việt Nam?
TS. TRƯƠNG ĐÌNH BẢO LONG: - Tôi ngưỡng mộ họa sĩ Pablo Picasso ở tuổi xế chiều lại đam mê làm gốm. Có lẽ ông muốn khai thác cả 4 chiều của gốm cổ (trước, sau, trái, phải) mà trường phái lập thể (Cubism) của ông vẫn không làm cho người thưởng ngoạn thế kỷ 20 hiểu hết, để rồi ông trở thành trưởng giả phê bình tranh.
Tôi mê đắm quá trình sưu tập và viết sách của học giả Vương Hồng Sển (Sài Gòn), nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (Huế), nhà báo Đào Phan Long (Hà Nội) hay bộ sưu tập quy mô 3 đời của ông Hoàng Văn Cường (cựu nhà báo hãng thông tấn UPI - Mỹ). Những người này gợi hứng và gián tiếp chỉ dạy cho tôi nuôi dưỡng tìm cầu cái đẹp qua sưu tập.
Nhật Bản thiết lập quan hệ Việt Nam từ thời chúa Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, Việt Nhật mới kết nối lại bang giao năm 1992 và từ đó văn hóa mỹ học Nhật Bản đã góp phần hình thành một thú đam mê, tìm hiểu văn hóa và sưu tầm đồ cổ Nhật Bản sâu rộng.
Phong trào chơi cổ ngoạn trân tàng Nhật tuy còn non trẻ nhưng đồ đẹp cũng không có nhiều, vì các nhà sưu tập có trình độ đã nhanh tay thủ đắc. Đồ giả cổ vật Nhật dễ phát hiện hơn, vì văn hóa người Nhật thường không làm giả chính mình, còn người Trung Quốc không bắt chước được vì Nhật Bản đã đưa danh tiếng gốm Satsuma vượt qua gốm Trung Hoa giữa cuối thế kỷ 19.
- Các anh có kế hoạch gì với tương lai của bộ sưu tập?
Anh ĐÀO TRẦN QUỐC CHƯƠNG: - Chúng tôi mở Hội quán Long Chương (quận 6, TPHCM) để làm sân chơi cho anh em chung sở thích sưu tập giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Chúng tôi phấn đấu nhận được xác nhận kỷ lục quốc gia cho bộ sưu tập Satsuma hơn 300 món này của mình và in 4 cuốn sách về bộ sưu tập Satsuma trong năm 2020 (đã xong bản thảo).
Để duy trì được đam mê, chúng tôi vẫn nhận đấu giá và mua hộ những cổ vật cho người sưu tầm đơn lẻ thông qua nhà Gomsunhat Bui. Anh Thọ và gia đình tôi là người động viên hỗ trợ chúng tôi nhiều nhất về tinh thần, tài chính và không gian trưng bày gần 8 năm nay.
- Xin cảm ơn các anh về buổi trò chuyện này. \
Link: https://saigondautu.com.vn/thu-dam-me/gap-go-nhom-suu-tap-gom-co-nhat-76193.html